Lượt xem: 243

Cựu chiến binh Trương Nhựt Cường làm kinh tế giỏi từ mô hình đa canh

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh lại tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng bằng các mô hình kinh tế hiệu quả. Cựu chiến binh Trương Nhựt Cường ở ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ là một điển hình như thế.

    Trong tiết trời se lạnh của những ngay cuối năm, chúng tôi đến ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú giữa những cánh đồng sau vụ mùa thu hoạch của bà con, xen lẫn những liếp màu xanh mơn mởn dưới chân ruộng, như một điểm nhấn nổi bật của vùng ngoại ô tỉnh Sóc Trăng, nơi có trên 90% người dân tộc Khmer sinh sống. Hỏi thăm nhà cựu chiến binh (CCB) Trương Nhựt Cường, người dân nơi đây ai cũng biết và cảm phục tinh thần, ý chí nghị lực của ông. Nhiều năm qua, CCB Trương Nhựt Cường không chỉ là người Chi hội phó Hội CCB gương mẫu, tận tụy với công tác Hội và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, mà còn là hội viên Hội CCB làm kinh tế giỏi từ mô hình đa canh với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả trong những buổi ban đầu khi đến vùng đất này lập nghiệp.


CCB Trương Nhựt Cường chăm sóc vườn ổi.

 

    Chúng tôi đến thăm gia đình khi ông đang chăm chú chăm sóc cho vườn cây với nhiều chủng loại đang độ đâm hoa kết trái như: Ổi nữ hoàng, vú sữa, chanh không hạt, ngò gai lấy hạt.... Ông gây ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười hiền lành, tác phong nhanh nhẹn đúng chất của một người lính Cụ Hồ… nhìn ông già dặn hơn nhiều so với tuổi 53.

    Tâm sự với chúng tôi, ông Cường cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng của huyện Kế Sách. Năm 1986, khi vừa tròn 18 tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh, ông được điều động về công tác tại Trung đoàn Công binh 550, Quân đoàn 4 và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến tháng 4-1989, ông được Quân đội cho phục viên trở về địa phương sau gần 4 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Sau khi phục viên về quê hương, ông cùng cha, mẹ trở lại với công việc quen thuộc của nhà nông như chăn nuôi gà, vịt, heo, làm ruộng và trồng cây ăn trái, lúc nông nhàn mùa vụ thì làm thuê làm mướn để kiếm kế sinh nhai… Công việc nhà nông lao động vất vả nhưng thu nhập không cao bởi vì cả gia đình chỉ có 3 công đất sản xuất, nên mặc dù quanh năm vất vả nhưng kinh tế gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau.

    Năm 1998, ông xây dựng gia đình và cuộc sống càng thêm khó khăn khi gia đình có thêm thành viên mới. Năm 2002, sau bao đêm suy nghĩ ông bàn với vợ sang bán 02 công đất cha mẹ cho khi ra ở riêng để làm vốn chuyển đến vùng đất Phú Tức, huyện Mỹ Tú lập nghiệp. Do có một số kinh nghiệm trong trồng cây ăn trái, ông đầu tư sang lại 04 công đất rẫy với ý định làm giàu từ cây cam sành; số vốn còn lại ông thuê máy móc đào mương lên liếp trồng 04 công cam sành. Sau 03 năm chăm sóc, nhưng thổ nhưỡng vùng đất cao nhiễm phèn không phù hợp, nên vườn cam của ông phát triển kém không mang lại hiệu quả, khiến cho kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại chồng chất khó khăn.

    Không cam chịu trước khó khăn, với ý chí và nghị lực của người lính đã được thử thách qua chiến trường, ông quyết định đi tham quan, tìm hiểu các mô hình hiệu quả, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để chuyển hướng cây trồng. Xét thấy cây ổi và các loại rau màu phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nên ông mạnh dạn thay toàn bộ cây cam sành bằng 500 gốc ổi, 200 gốc chanh không hạt, 100 gốc vú sữa xen kẽ với cây ngò gai và một số loại rau màu khác, mục đích là lấy ngắn nuôi dài và tận dụng diện tích khi cây ổi chưa phát triển; dưới mương thì thả cá kết hợp với nuôi gà để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình.

    Sau bao năm vất vả làm ăn, đến năm 2006 công sức của vợ chồng ông đã được đền đáp xứng đáng, thu hoạch cây từ ổi mỗi tháng từ 6 - 8 triệu đồng, chanh không hạt từ 4 - 6 triệu đồng; ngò gai mỗi năm từ 200 - 300 kg hạt, giá dao động từ 250.000 đồng tới 260.000 đồng/kg thu nhập từ 60 - 70 triệu/năm; thu nhập từ vú sữa, gà vịt, cá, rau màu các loại mỗi năm khoảng trên dưới 250 triệu đồng.

    Chia sẻ với chúng tôi ông Cường cho biết, hiện nay ông đã sang thêm được 03 công đất để mở rộng sản xuất nâng tổng số lên 7 công, để nâng cao thu nhập ông đã thay đổi toàn bộ giống ổi cũ bằng giống ổi nữ hoàng có năng xuất, chất lượng và giá thành cao hơn nhiều so với giống ổi cũ trước đây và ông cũng cho biết, ăn Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 xong ông sẽ khởi công xây dựng căn nhà mới dự kiến trên 400 triệu đồng.

    Nhờ chịu khó, không cam chịu đói nghèo phấn đấu vươn lên, đến nay gia đình ông Cường đã vươn lên khá giả, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Song song với làm kinh tế, ông Cường còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Với bản tính hòa đồng, ông còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ mọi người trong ấp, trong xã. Từ học tập mô hình của gia đình ông, ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ đã xuất hiệu thêm nhiều mô hình trang trại, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Với sự tận tâm, tận tụy với công tác Hội, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Cường luôn được hội viên Hội CCB và bà con ở địa phương tin tưởng, quý mến, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.

    Đánh giá về mô hình của gia đình ông Cường, đồng chí Dương Kiến Bình -  Chủ tịch Hội CCB xã Phú Mỹ cho biết: Hội viên CCB Trương Nhựt Cường không những là tấm gương điển hình về nghị lực phấn đấu vươn làm kinh tế giỏi tại địa phương, mà còn là một cán bộ Hội luôn tận tụy với công việc và hết lòng với công tác Hội, là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên Hội CCB trong xã noi theo.

    Từng một thời cầm súng chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộc sống đời thường, phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã tạo cho hội viên CCB Trương Nhựt Cường động lực vươn lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, công tác xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú ngày càng giàu đẹp hơn; là tấm gương sáng cần được nhân rộng để cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh học tập, noi theo.

Bùi Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 109
  • Hôm nay: 8195
  • Trong tuần: 78,902
  • Tất cả: 11,802,222